Astrology.vn - Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời như biện; cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai.

 

Dịch

Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời như biện; cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy.

Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng lòng ôm đau đớn.

            Kệ rằng:

            Kề vai cười nói khua lưỡi môi,

            Cứ mãi làm người vọng ngữ thôi.

            Riêng ý cầu tài, mong người thích,

            Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi.

 

Giải

“Tâm là gốc thiện ác, miệng là cửa họa phúc. Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai; nói một lời thì bóng theo chẳng lệch. Quân tử trọng lời như biện; cổ nhân ngừa nói như bình. Nói ra thì ngay thẳng công bằng; mở lời thì không cong queo tà vạy. Không nói đây hay kia dở; chẳng bàn mình phải người sai. Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời. Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước. Chẳng những kẻ nói là vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy.”

Đoạn này giải thích về lỗi của vọng ngữ.

“Tâm là gốc thiện ác”, tâm là những ý niệm, nguồn của thiện và ác.

“Miệng là cửa họa phúc”, họa từ miệng mà ra, nên phải dè dặt lời nói.

“Nghĩ một niệm thì hưởng ứng không sai”, chỉ khởi nghĩ một niệm là có sự hưởng ứng đúng như điều mình nghĩ, nghĩ xấu có hưởng ứng xấu, nghĩ tốt có hưởng ứng tốt rõ ràng.

“Nói một lời thì bóng theo chẳng lệch”, một lời nói ra quả báo sẽ theo không sai chạy. Lời nói lành có quả lành, lời nói ác có quả ác theo ngay. Thế nên:

“Quân tử trọng lời như biện”, tức là người quân tử trọng lời nói như đinh đóng vậy. Biện là cái thành của chiếc giường, gồm những miếng gỗ nhờ đóng đinh nên cứng lại, ý nói người quân tử trọng lời nói như đóng đinh vào gỗ vậy.

“Cổ nhân ngừa nói như bình”, người xưa ngừa miệng mình như bình. Cái bình nếu để đứng thì không đổ nước, để nghiêng thì đổ. Vì thế chúng ta luôn luôn ngừa lời nói, không phát ra những lời vô nghĩa hay những lời hại người.

“Nói ra thì ngay thẳng công bằng, mở lời thì không cong queo tà vâïy.” Người quân tử đạo đức nói lời ngay thẳng đúng đắn, không tà vạy. Còn người thế gian thấy một đàng nói một ngả, hoặc nói móp méo sự thật, đó gọi là nói cong queo tà vạy. Lời nói thẳng là không nói quanh co, có thế nào nói thế ấy.

“Không nói đây hay kia dở, chẳng bàn mình phải người sai.” Chẳng những người cư sĩ tại gia mà cả người xuất gia cũng phải học thuộc câu này. Khi năm ba huynh đệ họp lại thường bàn chuyện người này hay người kia dở gọi là bàn chuyện thị phi. Chúng ta không nên nói chuyện hay dở của người, cũng chẳng bàn mình phải người sai, người nói lời thô lỗ vô phép, còn mình đối xử rất đẹp rất hay. Ít khi nào chúng ta nhận dở về mình và khen người hay khéo, lúc nào cũng cái ta trên hết. Cái ta hiện rõ ràng trong lời, cho nên ít nói là hơn hết.

“Đâu dám khua môi múa lưỡi, cần phải giữ miệng gìn lời.” Đừng múa lưỡi phô trương mình giỏi mình khôn, cần phải giữ miệng không nói lời sai quấy rỗng suông.

“Vả nghiệp của thân là nặng, song họa của miệng là trước.” Tuy nghiệp thân là nặng, song miệng cãi rầy trước rồi thân đánh đập sau làm khổ cho nhau. Ở thế gian nếu mỗi người biết giữ gìn miệng, thì trong nhà ít có cãi rầy đi đến đánh nhau. Vậy ai khéo giữ miệng thì sẽ tránh được tai họa này.

“Chẳng những kẻ nói vọng ngôn, còn khiến người nghe làm bậy.” Nếu mình nói dối nói sai, khiến người nghe tưởng thật, họ làm bậy theo, đó là lỗi tại mình.

“Đời này bị người khinh rẻ, sau khi chết bị nghiệp kéo lôi. Hoặc kềm sắt kéo lưỡi cam chịu chua cay. Hoặc nước đồng sôi rót vào miệng lòng ôm đau đớn.”

Ai thường nói dối, hiện đời bị người khinh rẻ, sau khi chết nghiệp báo lôi vào địa ngục. Nơi đó kềm sắt kéo lưỡi cắt đi, thật là chua cay đau đớn. Lại bị đổ nước đồng sôi vào miệng, cháy cả ruột gan. Như thế quả báo nói dối hiện đời đã xấu, đời sau lại càng khổ đau, nên phải ráng ngừa tránh.

            Kệ rằng:

            Kề vai cười nói khua lưỡi môi,

            Cứ mải làm người vọng ngữ thôi.

            Riêng ý cầu tài, mong người thích,

            Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi.

“Kề vai cười nói khua lưỡi môi.” Muốn dụ dỗ người nghe lời dối trá của mình thì phải kề vai nói cười thân thiết.

“Cứ mải làm người vọng ngữ thôi”, cứ như vậy mà làm người nói dối mãi.

“Riêng ý cầu tài mong người thích”, mong được tài lợi về mình thì phải nói dối làm người ta ưa thích mới gạt được người.

“Sau cùng khó tránh nghiệp kéo lôi.” Đến lúc chết, bị nghiệp lôi kéo vào địa ngục chịu những hình phạt khổ sở đau đớn vô cùng. Quả báo trong địa ngục là do vọng ngữ vậy.

Khóa Hư Lục - NĂM GIỚI (links): > [0] Tổng Luận > [1] Văn Giới Sát > [2] Văn Giới Trộm > [3] Văn Giới Sắc > [4] Văn Giới Vọng Ngữ > [5] Văn Giới Rượu

(Theo: Trần Thái Tông - Khóa Hư Lục Giảng Giải - Thích Thanh Từ - 1996)

 Đạo PhậtKhóa Hư Lục – Trần Thái Tông - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.3): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI SẮC

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.2): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI TRỘM

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3.1): NĂM GIỚI - VĂN GIỚI SÁT

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (3): NĂM GIỚI

> PHẬT HỌC - KHÓA HƯ LỤC - TRẦN THÁI TÔNG (2): TỰA - THIỀN TÔNG CHỈ NAM