Astrology.vn - Đạo không thể giảng được, mà cũng không có tên, không thể đặt tên cho nó được, vì nó độc lập tuyệt đối, không có hình tượng, thuộc tính. Đạo “sinh ra trước trời đất, trước muôn vật, nó độc lập tuyệt đối, không có đồng loại, như vậy thì làm gì có tên.

 

Hán Tự

道可道, 非常道; 名可名, 非常名.

, 名天地之始; , 名萬物之母.

故常無, 欲以觀其妙; 常有, 欲以觀其故常無, 欲以觀其妙; 常有, 欲以觀其徼.

此兩者, 同出而異名. 同謂之玄. 玄之又玄. 衆妙之門.

 

Hán Việt

Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh.

Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu.

Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu; thường hữu, dục dĩ quan kì kiếu. 

Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền.

Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.

 

Dịch Nghĩa

Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.

“Không”, là gọi cái bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật. Cho nên, tự thường đặt vào chỗ “không” là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ “có” là để xét cái [dụng] vô biên của nó.

Hai cái đó [không và có] cũng từ đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu.

Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kì diệu.

 

Luận Giải

Lão tử chỉ bảo: Đạo không thể diễn tả được, mà không nói rõ tại sao, nhưng câu 2 và câu 3 cho ta đoán được ý ông. Đạo là “không”, siêu hình, là bản nguyên (hoặc tổng nguyên lí của vũ trụ), cái “thể” của nó cực kì huyền diệu; mà cái “dụng” của nó lại vô cùng (vì nó là mẹ của vạn vật), cho nên người thường chúng ta - một phần tử cực kỳ nhỏ bé của nó, đời sống lại cực kỳ ngắn ngủi - may lắm là thấy được vài qui luật của nó, vài cái “dụng” của nó chứ không sao hiểu nó được. Không hiểu nó được thì làm sao diễn tả nó được. Lão Tử mở đầu Đạo Đức Kinh bằng 6 chữ: “Đạo khả đạo phi thường đạo” như có ý báo trước cho ta rằng ông sẽ chỉ có thể gợi cho ta ít điều về đạo thôi, để cho ta suy nghĩ, tìm hiểu lấy bằng trực giác, chứ ông không chứng minh cái gì cả. Chính ông, ông cũng không hiểu rõ về đạo, ngôn ngữ của ông không diễn tả nó được, và đọc ông ta đừng nên “cầu thậm giải” như Đào Uyên Minh sau này đã khuyên.

Đạo không thể giảng được, mà cũng không có tên, không thể đặt tên cho nó được, vì nó độc lập tuyệt đối, không có hình tượng, thuộc tính. Gọi một vật là là cái ghế vì vật đó có những thuộc tính của loại ghế: có ba hay bốn chân, có mặt để ta ngồi, lưng để dựa… Đạo “sinh ra trước trời đất, trước muôn vật, nó độc lập tuyệt đối, không có đồng loại, như vậy thì làm gì có tên. Vả lại tên vốn có tính cách giới hạn và quyết định: tên trỏ cái ghế thì không thể dùng trỏ cái bàn; một vật mang tên ghế thì nhất định chỉ là cái ghế chứ không thể đồng thời vừa là cái ghế vừa là cái bàn. Một vật cái tên thì không thể đồng thời vừa ở chỗ này vừa ở chỗ khác. Đạo – như sẽ thấy ở một số chương sau – vốn “đi khắp không ngừng”, vừa ở đây vừa ở kia, vừa là cái này vừa là cái nọ; vì vậy không thể có một tên nào thích hợp với nó được. Đành phải tạm gọi nó là đạo.

Tóm lại, đại ý chương này là: đạo vĩnh cửu bất biến, không thể giảng được, không thể tìm một tên thích hợp với nó được; cái thể của nó là “không”, huyền diệu vô cùng, mà cái dụng của nó là “hữu” lớn lao vô cùng.

(t/h)

Đạo Lão - Lão Tử Đạo Đức Kinh - Astrology.vn - About us

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.